Chuyển đổi số trong trạm biến áp không người trực

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các đơn vị, chuyển đổi số là một hướng đi hiệu quả, là xu thế tất yếu. Do vậy, công đoàn các đơn vị cần tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tham gia quá trình chuyến đổi số tại doanh nghiệp, trong đó tham khảo mô hình của Công đoàn EVNNPT”. (Theo ông Đỗ Đức Hùng - Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam).

Những năm qua, Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đặc biệt tại các Trạm biến áp (TBA) không người trực (KNT), nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của đơn vị, giảm công việc thủ công, nâng cao độ an toàn, tin cậy của thiết bị trong vận hành.

Từ năm 2018 đến nay, lộ trình chuyển đổi các TBA 220kV có người trực sang TBA 220kV không người trực; đội ngũ vận hành tại các TBA 220kV từ 11 CBCNV/01 Trạm được tuyển chọn 05 CBCNV để thành lập Tổ thao tác lưu động (tại trạm) quản lý 01 TBA 220kV hoặc tuyển chọn 11 CBCNV trong lực lượng CBCNV đang vận hành các TBA chuẩn bị chuyển sang vận hành KNT để thành lập Tổ thao tác lưu động (cụm trạm) quản lý từ 02 TBA 220kV. Tính đến thời điểm hiện nay, Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh (TTĐHCM) đã hoàn tất đưa vào 7/10 trạm KNT, 03 trạm truyền thống còn lại sẽ thực hiện trong thời gian tới theo kế hoạch. Trong đó, Trạm biến áp 220kV Đức Hòa được đưa vào vận hành không người trực từ ngày 01/4/2020 và giao Tổ thao tác lưu động Đức Hòa quản lý vận hành.

Trước khi đưa Trạm biến áp 220kV Đức Hòa vào vận hành không người trực, Truyền tải điện Thành Phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan công tác quản lý vận hành như catalogue, lý lịch thiết bị, các biên bản thí nghiệm, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý kỹ thuật, sữa chữa lớn,... đều được lưu trữ đầy đủ và đồng bộ qua các ứng dụng như Google Drive, Google sheet, Mega, One Drive và các phần mềm dùng chung PMIS, MDMS, … do ngành điện triển khai; các thông số vận hành, lý lịch thiết bị, sản lượng điện tại các TBA được cập nhật hàng ngày, hàng giờ lên hệ thống của EVNNPT, EVN, Mua bán điện…; qua đó, công tác truy vấn, trích xuất, báo cáo nhanh chóng và đầy đủ thông tin đến các cấp lãnh đạo, cũng như giảm áp lực công việc cho nhân viên quản lý vận hành các trạm KNT. Đây có thể coi là một BIG DATA  cho công cuộc chuyển đổi số.

Từ tháng 11 năm 2020 đến cuối tháng 5 năm 2021, trạm biến áp KNT Đức Hòa được nâng cấp kênh truyền SCADA từ chuẩn T101 (1 kênh truyền) lên chuẩn T104: gồm hai kênh truyền Main và Backup; đến tháng 7 đã thử nghiệm kết nối thành công vào hệ thống SCADA dự phòng SP5 (của hãng SIEMENS) giúp cho các thao thác xa, giám sát thiết bị từ trung tâm điều độ A2 nhanh chóng, đáp ứng đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin vận hành cũng như xử lý sự cố lưới điện.

Trong năm 2021, trạm biến áp KNT Đức Hòa đã bước đầu triển khai áp dụng công tác sửa chữa, bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị (CBM) trên nền tảng của PMIS, nhằm theo dõi, đánh giá tình trạng thiết bị trong quá trình vận hành và qua đó kịp thời phát hiện các tồn tại cần xử lý. Song song đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia triển khai, sử dụng thư viện tài liệu (edoc) - một thư viện dùng chung cho tất các các đơn vị trực thuộc…. Cùng với đó là chương trình an ninh thông tin nhằm bảo vệ tính bảo mật trên không gian mạng cho các trạm biến áp KNT.

Trạm 220kV Đức Hòa là TBA đầu tiên trong Truyền tải điện thành phố Hồ Chí Minh đưa vào vận hành không người trực; CBCNV Tổ thao tác lưu động (TTTLĐ) Đức Hòa thời gian đầu có tâm lý lo lắng; tuy nhiên, qua công tác chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp tập thể CBCNV TTTLĐ Đức Hòa đã phấn đấu, quyết tâm học tập thay đổi tư duy sản xuất, sắp xếp khoa học lại công tác sản xuất, số hóa các dữ liệu của TBA, mỗi CBCNV phải kiêm nhiệm 2, 3 chức danh (nhân sự chỉ còn một nửa so với trước đây…) và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thành quả đạt được đó là ghi nhận hiệu quả của công tác ứng dụng các nền tảng số hiện có như là đồng bộ dữ liệu lên Google Drive, Mega, Onedrive, Pmis… để có thể truy cập, cập nhật, báo cáo, làm việc từ bất cứ nơi đâu một cách dễ dàng nhanh chóng, hoàn thành tốt các báo cáo cấp trên giao; đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay cho chúng ta dễ dàng thấy được hiệu quả tích cực của công cuộc chuyển đổi số trong các TBA KNT, CBCNV làm việc từ xa, thu thập dữ liệu, số liệu báo cáo, giám sát tình hình vận hành thiết bị, tình hình an ninh (camera), …  . Qua đó có thể khẳng định chuyển đổi số là quá trình tất yếu.

Hệ thống điều khiển máy tính của trạm 220kV Đức Hòa.

Màn hình điều khiển, theo dõi thông số vận hành mức ngăn lộ.

Đo đếm xa trạm 220kV Đức Hòa (MDMS).

Dữ liệu thiết bị của trạm 220kV Đức Hòa được cập nhật vào Thư viện tài liệu kỹ thuật dùng chung.

CBCNV Tổ TTLĐ Đức Hòa báo cáo công tác quản lý vận hành từ xa qua kết nối Zoom meeting.

CBCNV Tổ TTLĐ Đức Hòa sử dụng điện thoại thông minh cập nhật thông số đếm OLTC lên trang web của đơn vị ngay trong thời gian kiểm tra.


  • Hầu Phước Dũng - TTĐHCM