Công ty Truyền tải điện 4 đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện trước các diễn biến bất thường của thời tiết.

Cán bộ công nhân viên Công ty Truyền tải điện 4 luôn nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong công tác vận hành lưới điện truyền tải, để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết đặc biệt trong mùa mưa bão. Hằng năm vào tháng 2, tháng 3, Công ty Truyền tải điện 4 đều chủ động triển khai xây dựng kế hoạch củng cố, đảm bảo vận hành lưới điện phù hợp với tình hình diễn biến bất thường của thời tiết.

Công ty Truyền tải Điện 4 hiện đang quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải 220kV, 500kV khu vực phía Nam bao gồm 19 tỉnh, thành phố nối dài từ tỉnh Bình Phước, Đồng Nai đến tỉnh Cà Mau, với 59 trạm biến áp, trong đó 12 trạm biến áp 500kV và 47 trạm 220kV dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp nhận vận hành 01 trạm 500kV Long Phú và 1 trạm 220kV Châu Thành nâng tổng số trạm quản lý lên 61 trạm; Tổng công suất lắp đặt MBA hiện tại (152 máy): 41.368 MVA trong đó cấp 500kV là 15.600MVA, cấp 220kV là 24.125MVA; cấp 110kV là 1.643 MVA; Tổng chiều dài đường dây 7612,21 km với 2.256,98 km đường dây 500kV và 5355,23 km đường dây 220kV.

Các đường dây do Công ty quản lý trải dài qua các dạng địa hình đồi núi, đồng bằng, đầm lầy, bị chia cắt bởi nhiều kênh rạch, sông ngòi, khe suối, chằng chịch, nhiều đoạn đường dây khu vực miền Tây Nam Bộ nằm trong khu vực vùng lũ, hằng năm vào thời điểm đỉnh lũ, nước có thể ngập sâu cách mặt đất lên khoảng 02 ÷ 03 mét và kéo dài khoảng 05 tháng. Đa phần các tuyến đường dây nằm cách xa trục lộ giao thông, không có đường đi vào tuyến và dọc tuyến, không thể di chuyển bằng phương tiện cơ giới đường bộ, việc di chuyển chủ yếu đi bộ hoặc thuê xuồng ghe (ngoại trừ khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh).

Hằng năm vào khoảng tháng 08 đến tháng 12, nước lũ từ thượng nguồn Campuchia tràn về khu vực 13 tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, nước bao trùm cả một vùng rộng lớn, công tác quản lý vận hành, kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng lưới điện các tuyến đường dây khu vực vùng lũ, đặc biệt vào thời điểm đỉnh lũ, toàn bộ cả vùng miền Tây Nam Bộ đều ngập sâu trong biển nước, việc đi lại ra vào tuyến, vận chuyển trang thiết bị, dụng cụ thi công, xử lý sự cố… rất khó khăn.

Cán bộ công nhân viên Công ty Truyền tải điện 4 luôn nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong công tác vận hành lưới điện truyền tải, để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn trước mọi diễn biến bất thường của thời tiết đặc biệt trong mùa mưa bão, chủ động triển khai xây dựng kế hoạch củng cố, đảm bảo vận hành lưới điện phù hợp với tình hình diễn biến bất thường của thời tiết.

Tổ chức ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

Chủ động thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) để chỉ đạo thông suốt từ Công ty đến các đơn vị trực thuộc, từng Đơn vị truyền tải điện trực thuộc thành lập các đội xung kích; các Đội truyển tải điện quản lý đường dây, các Tổ thao tác lưu động, trạm biến áp đều xây dựng phương án chi tiết PCTT&TKCN, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị bạn trên từng địa bàn, nhằm huy động được mọi nguồn lực, phương tiện khi cần để sẵn sàng ứng cứu đảm bảo lưới điện truyền tải quốc gia vận hành an toàn khi trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Tại cấp Đội, Trạm, căn cứ tình hiện thực tế của các năm trước, xác định các khu vực xung yếu, xây dựng cập nhật hiệu chỉnh phương án PCTT&TKCN, xây dựng phương án chống ngập úng, giả lập đầy đủ các tình huống sự cố phức tạp phù hợp với từng điều kiện thời tiết, địa hình đặc thù của từng đơn vị. Tổ chức thực tập diễn tập và phối hợp diễn tập phương án đã lập để tất cả cán bộ công nhân viên trong đơn vị thuần thục xử lý các tính huống, nắm rõ đặc điểm địa hình từng vùng, từng đường dây và trạm biến áp và đồng thời qua công tác diễn tập sẽ phát hiện sớm những thiếu sót, tồn tại và có biện pháp khắc phục.

Đối với các phòng ban Công ty tăng cường công tác kiểm tra lưới, theo dõi, giám sát đôn đốc và phối hợp cùng đơn vị tham gia thực tập diễn tập phương án, phối hợp cùng đơn vị trực thuộc tham gia các cuộc họp Sơ kết, tổng kết, họp triển khai công tác ứng phó với thiên tai, lũ lụt do chính quyền địa phương tổ chức.

Củng cố vận hành các tuyến đường dây trước và trong mùa mưa bão.

Các Đơn vị, Tổ, Đội, Trạm tiến hành lập kế hoạch, tuân thủ thực hiện các văn bản chỉ đạo từ Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa giảm thiểu sự cố, củng cố vận hành, sửa chữa bảo dưỡng định kỳ các tuyến đường dây và trạm biến áp 500kV, 220kV do Công ty quản lý, đối với các công trình đường dây truyền tải 500kV, 220kV:

- Đo kiểm tra điện trở cột, kiểm tra điện trở hệ thống tiếp địa cột, sửa chữa thay thế các vị trí tiếp địa hư hỏng, bị rỉ sét; tăng cường hệ thống tiếp địa chân cột, đặc biệt các khu vực xung yếu có mật độ sét cao, các cột vượt sông… Rà soát tổng hợp các đoạn đường dây có gốc bảo vệ chống sét chưa đạt yêu cầu vận hành (các đoạn đường dây cũ), đề xuất giải pháp khắc phục: nâng độ cao dây chống sét, mở rộng tay xà đề mở rộng gốc bảo vệ dây chống sét…

- Tổ chức kiểm tra nhiệt độ các mối nối tiếp xúc và triển khai xử lý các điểm có nhiệt độ cao bất thường, đảm bảo lưới điện vận hành an toàn tin cậy, các mối nối lèo dây dẫn, sứ vào ban đêm nhằm phát hiện các điểm nhiệt độ tăng cao hoặc phóng điện để xử lý kịp thời, siết lại các thanh giằng các cột tháp sắt ở những nơi đường dây thường xuyên ngập lụt;

- Tăng cường chế độ kiểm tra tình trạng kỹ thuật (kiểm tra ngày, đêm) lưới điện để kịp thời phát hiện các cây cao trong và lân cận hành lang có nguy ngã đổ vào đường dây, độ võng dây dẫn, các hư hỏng phát sinh và xử lý ngay, đặc biệt đối với các đường dây đường dây 500kV, đường dây 220kV nối nguồn, các đường dây đi ngang qua khu vực nhiễm bẩn cao, sương muối, các đường dây thường xuyên mang tải cao, các đường dây không đảm bảo tiêu chí N-1….

- Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức phòng ngừa vi phạm hành lang: xà lang xáng cạp, xe cuốc, xe cẩu, đốt rừng, nương rẫy, rơm rạ, thả diều, bắn pháo giấy tráng kim loại hoặc ném các vật thể gây nguy hiểm tới vận hành an toàn lưới điện. Tăng cường lực lượng tuần tra dọc tuyến các đường dây trọng điểm nằm gần quốc lộ và khu vực đông dân cư nhằm sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm hành lang lưới điện, đặc biệt một số đường dây có nguy cơ sự cố do xe cẩu, xà lang xáng cạp, cây cao trong và ngoài hành lang...

- Thường xuyên giữ liên hệ với chính quyền địa phương nơi có đường dây điện đi qua chủ động nắm bắt được kế hoạch nạo vét kênh, mương nội đồng, từ đó kịp thời có kế hoạch, hướng dẫn, cảnh báo, yêu cầu các chủ phương tiện, các tài công ký cam kết đảm bảo không vi phạm khoảng cách an toàn cho lưới điện;

- Rà soát củng cố công tác vận hành, phát hoang hàng lang tuyến, gia cố các vị trí móng nằm trong khu vực dễ sạc lở, hư hỏng vào mùa mưa nên đơn vị đã tổ chức gia cố các kè móng, nạo vét, khai thông mương dẫn thoát nước bị đất lấp, xây dựng các tường chắn không cho dòng nước chảy hướng vào móng cột; phát hoang hành lang, chặt tỉa cây cao ngoài hành lang có khả năng ngã đổ vào đường dây…

- Tăng cường đo kiểm tra vầng quang tất cả các tuyến đường dây đi ngang khu vực thường xuyên nhiễm bẩn cao, các đường khu ven biển, khu vực sương muối… chủ động thực hiện vệ sinh sứ cách điện đặc biệt các đường dây có dấu hiệu sứ nghiễm bẩn, phóng điện vầng quang.

- Thường xuyên kiểm tra, phát hoang định kỳ hành lang bảo vệ đường dây, không để cây cao có khả năng ngã đổ vào đường dây gây sự cố, đặc biệt các loại cây phát triển nhanh trong mùa mưa như cây le, cây dầu, tre nứa, lồ ô và những khu vực có cây cao nguy hiểm ở hai bên hành lang đường dây, thường là cây cao su và cây phát triển nhanh trong hành lang, nhất là tại các khoảng trụ có khoảng cách pha – đất thấp.

- Tăng cường kiểm tra độ võng các tuyến đường dây mang tải cao, rà soát kiểm tra các biển báo khoảng cách an toàn tại các khoảng vượt có độ võng thấp, các khoảng trụ vượt sông, các biển cảnh báo ghe thuyền qua lại đảm bảo đường dây vận hành an toàn tại khoảng trụ vượt có độ võng thấp, có mật độ tàu thuyền qua lại thường xuyên, vệ sinh và sơn lại các biển báo hiệu đường dây vượt sông, sửa chữa khắc phục các đèn báo tại các khoảng vượt bị hỏng;

- Tăng cường công tác kiểm tra ngày và đêm, kiểm tra đột xuất, tập trung nhiều vào các đường dây trọng yếu, đường dây mang tải cao, các vị trí có nguy cơ xảy ra sự cố, các đường dây vận hành trên 20 năm, đường dây có khoảng cách pha - đất thấp, kiểm tra đối với các đường dây nằm trong vùng ngập lụt vào thời điểm nước lũ dâng cao và ngập sâu, kéo dài khả năng lún nghiêng, ngã trụ là rất cao. Đặc biệt 02 tuyến đường dây 220kV từ Châu Đốc cung cấp tải quan trọng cho nước bạn Campuchia.

- Thực hiện kiểm tra định kỳ các chống sét van, hệ thống dây chống sét, kim thu sét (nếu có) và các phụ kiện đi kèm trước đầu mùa mưa (30/04), hằng năm tổ chức thực tập diễn tập phương án PCTT&TKCN, phương án dựng trụ KEMA… hoàn tất trước 30/04 hằng năm.

- Kiểm tra, hướng dẫn tuyên truyền vận động nhân dân sinh sống gần khu vực hành lang đường dây cam kết, thu gom, xử lý các vật bay (bao bì, bạt cao su, tôn, lưới, dây băng từ…), gia cố chằng néo chống tốc mái nhà ở, công trình, chuồng trại... tránh gió lốc cuốn bay lên đường dây gây sự cố, đặc biệt lưu ý với các đối tượng nhà ở, công trình phụ lấn chiếm ranh giới hành lang đường dây 500kV.

Củng cố vận hành các công trình trạm biến áp 500kV, 220kV trước và trong mùa mưa bão.

Trạm 220kV Bình Hòa.

Tuân thủ đúng kế hoạch, tiến độ thí nghiệm, kiểm định định kỳ thiết bị nhất, nhị thứ, rơle trong các trạm biến áp 500kV, 220kV đảm bảo 100% thiết bị đến hạn đều được thí nghiệm định kỳ hoàn tất trước 30/06/2021. Đảm bảo sơ đồ kết dây theo đúng phương thức cung cấp điện của Trung tâm điều độ. Đảm bảo thiết bị ngăn lộ máy cắt vòng, máy cắt liên lạc sẵn sàng làm việc. Đảm bảo hệ thống điện tự dùng AC/DC luôn trong trạng thái vận hành tốt. Rà soát và xử lý ngay các khiếm khuyết các thiết bị đảm bảo vận hành tin cậy. Tổ chức kiểm tra xử lý các hư hỏng đối với hệ thống lưới nối đất, kim thu sét, dây chống sét trong trạm trước 30/04/2021. Rà soát sửa chữa, thay thế các hộp, nắp che chắn các rơle mặt máy biến áp, xử lý ron cửa tủ thiết bị ngoài trời, bổ sung, thay thế các điện trở sưởi hư hỏng, xử lý các ống ruột gà luồng cáp đảm bảo không để nước mưa xâm nhập, gây nhiễm ẫm các rơle mặt máy biến áp và các tủ thiết bị ngoài trời. Tổ chức kiểm tra nhiệt độ các mối nối tiếp xúc và triển khai xử lý các điểm có nhiệt độ cao bất thường theo quy định. Tổ chức theo dõi điện áp, đo điện áp thứ cấp các biến điện áp, kiểm tra dòng rò chống sét van, kiểm tra nhiệt độ thân sứ, khối điện từ các biến điện áp, biến dòng điện, chống sét van, sứ xuyên máy biến áp, kháng, cáp ngầm,...Đảm bảo các mạch sa thải phụ tải làm việc ổn định, tin cậy, đúng chỉnh định do các cấp điều độ ban hành, triển khai cài đặt trị số rơle ngay khi Trung tâm điều độ ban hành phiếu chỉnh định mới. Theo dõi điện áp hệ thống, điều chỉnh điện áp tại các trạm theo biểu đồ điện áp, theo dõi hoạt động của rơle F90 tại các trạm đã đưa vào vận hành F90. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức phòng ngừa các hành vi bắn pháo giấy tráng kim loại hoặc ném các vật bay, gây nguy hiểm tới vận hành an toàn lưới điện. Tăng cường theo dõi tình trạng vận hành các máy cắt kháng 500kV, kháng bù 500kV.  Tập trung theo dõi các trạm biến áp có 01 máy biến áp hoặc có 02 máy biến áp nhưng chưa đảm bảo N-1…Tăng cường theo dõi, đánh giá tình trạng nhiễm bẩn cách điện trạm Duyên Hải và triển khai công tác vệ sinh cách điện ngăn ngừa sự cố; rà soát thay thế ngay các phụ kiện, chuỗi sứ, thiết bị đang bị hư hỏng nặng do môi trường nhiễm bẩn, ăn mòn cao. Tăng cường theo dõi, phối hợp chặt chẽ với A0, B04 đảm bảo điện áp thanh cái 500kV tại trạm 500kV Mỹ Tho không vượt quá 525kV. Tăng cường kiểm tra tình trạng vận hành các biến dòng điện 500kV kiểu CTH-550 đang vận hành trên lưới. Các đơn vị khẩn triển khai cài đặt các tín hiệu cảnh báo sớm quá điện áp các thanh cái 500kV, 220kV, 110kV và quá tải các ngăn lộ, đường dây theo văn bản 3165/PTC4-KT ngày 14/04/2021. Các Tổ thao tác lưu động áp dụng quy trình vận hành trạm không người trực số 0112/QĐ-HĐTV ngày 29/05/2020; quy trình phối hợp vận hành trạm biến áp không người trực với A2 (QTPHVH-220-PTC4 & A2). Kiểm tra các phương tiện PCCC và CNCH phải đầy đủ để sẵn sàng sử dụng khi cần. Gia cố mái tole nhà điều hành, nhà chờ ca, cơ quan, văn phòng làm việc… đảm bảo chắc chắn an toàn. Thu dọn vệ sinh khai thông rác trên các mái nhà, vệ sinh mương cáp, cống thoát nước, xử lý chống thấm dột, xây dựng phương án chống ngập úng đối với các trạm có cốt nền thấp hơn cốt mặt bằng chung xung quanh trạm… Kiểm tra vệ sinh hệ thống mương cáp, cống thoát nước trong các Trạm, xử lý chống dột, các kho vật tư, kho lưu trữ hồ sơ tài liệu, cơ sở làm việc,…Tăng cường kiểm tra bịt kín chống nhiễm ẩm các tủ điện, hệ thống điện trở sưởi, hệ thống thông gió …. Kiểm tra chế độ phụ nạp ắc quy, hệ thống các ắc quy dự phòng. Thực hiện kiểm tra định kỳ các chống sét van, hệ thống dây chống sét, kim thu sét và các phụ kiện đi kèm trong các trạm biến áp trước đầu mùa mưa (trước 30/04) hằng năm. Tổ chức thực tập diễn tập phương án PCTT&TKCN, phương án dựng trụ KEMA… hoàn tất trước 30/04 hằng năm. Rà soát củng cố vận hành, khắc phục tất cả khiếm khuyết, bất thường thiết bị trước mùa mưa bão. Báo cáo Lãnh đạo mọi bất thường để có phương án xử lý đảm bảo vận hành an toàn.

Đối với các trạm biến áp có cốt nền thấp hơn cốt nền của mặt bằng chung trong khu vực như trạm 220kV Nhà Bè, trạm 220kV Trà Nóc … hằng năm đều phải xây dựng phương án phòng chống ngập úng và tổ chức thực tập diễn tập hoàn tất trước mùa mưa.

Phối hợp với cơ quan ban ngành địa phương để tuyên truyền vận động người dân phối hợp bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Phối hợp chặt chẽ với các Cơ quan ban ngành, Chính quyền địa phương nơi có đường dây đi qua đề nghị hỗ trợ sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình)  tổ chức tuyên truyền tới người dân sinh sống gần khu vực đường dây 220kV, 500kV tuân thủ Nghị định 14/2014/NĐ-CP, Luật điện lực…cùng phối  bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA), không lắp dựng anten, thả diều trong gần hành lang an toàn lưới điện. Trước mùa mưa bão vận động phối hợp, hỗ trợ người chủ động thực hiện các biện pháp chằng néo chống tốc mái nhà ở, công trình, chuồng trại, tránh giông lốc cuống bay mái tole, mái lá, bạc cao su…bay vào đường dây, công trình lưới điện cao áp gây thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và làm mất điện nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian dài. Tuyên truyền hướng dẫn kiến thức an toàn điện trong người dân để hạn chế tối đa các tai nạn điện xảy ra, đặc biệt vào mùa mưa. Trường hợp giông và gió lốc xoáy làm tôn bay vướng vào đường dây hoặc cây ngã đổ vào đường dây, đứt dây dẫn, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp canh giữ hiện trường và báo ngay cho Đội quản lý đường dây để xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ, giữ liên lạc thường xuyên với các Ban chỉ huy PCTT&TKCN địa phương, xây dựng phương án PCTT&TKCN để hỗ trợ ứng cứu khi xảy ra các tình huống bão, lụt đe dọa đến chế độ vận hành an toàn lưới điện truyền tải. Xây dựng phương án phối hợp với các Công ty Truyền tải điện giáp ranh, Công ty điện lực trên địa bàn,… để hỗ trợ trong công tác xử lý sự cố, khắc phục hậu quả do bão lụt gây ra đối với các đường dây đi chung cột, giáp ranh, giao chéo, gần hoặc song song giữa các đơn vị. Phối hợp với các Ban chỉ đạo bảo vệ đường dây 500kV, chính quyền địa phương, cơ quan y tế, công an, quân đội, ... yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Ứng phó khi thời tiết bất thường giông, sét, mưa bão, lũ lụt.

Trong các thời điểm bão đổ bộ vào các tỉnh khu vực phía Nam. Ban chỉ huy PCTT&TKCN và các lực lượng xung kích tổ chức thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Liên tục theo dõi thông tin dự báo thời tiết trên trang web Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia https://weather.nldc.evn.vn/, trang web của cơ quan Điều độ Hệ thống điện Quốc gia https://weather.nldc.evn.vn/ hoặc tham khảo trên các website tin cậy của các nước Nhật, Úc, Mỹ... để cập nhật theo dõi liên tục tình hình, diễn biến thời tiết.Lập lịch ứng trực 24/24 và huy động lượng ứng trực để sẵn sàng xử lý tình huống khi có bão, lũ.  Duy trì ứng trực 24/24 trong suốt các ngày mưa bão. Bố trí trực Lãnh đạo và lực lượng trực tăng cường kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra trên lưới. Công tác trực ban vận hành: đặt chế độ theo dõi tình hình vận hành lưới ở mức cao và báo cáo kịp thời Lãnh đạo mọi bất thường trên lưới. Thực hiện nghiêm chỉnh công tác báo cáo vận hành ngày, công tác báo cáo sự cố theo quy định của Tổng công ty. Các Truyền tải điện chuẩn bị phương án, bố trí nhân lực sẵn sàng xử lý sự cố SCADA, tái lập ca trực các trạm biến áp không người trực khi có sự cố, khi bão đổ bộ. Thống kế vật tư, phương tiện, dụng cụ thi công hiện có tại tất cả Tổ, Đội, Trạm, chuẩn bị vật tư thiết bị dự phòng, dụng cụ thi công, nhiên liệu, phương tiện vận chuyển sẵn sàng phục vụ cho công tác xử lý sự cố. Bố trí đầy đủ các phương tiện thông tin liên lạc, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, để Lãnh đạo các Truyền tải điện, Công ty có thể theo dõi tình hình lưới điện 24/24h. Khi có sự cố xảy ra, các đơn vị phải nhanh chóng triển khai tổ chức xử lý sự cố theo đúng quy định. Tổ phân tích sự cố triển khai điều tra, phân tích nguyên nhân sự cố, khẩn trương tái lập vận hành lưới điện, có giải pháp ngăn ngừa sự cố tương tự xảy ra.

Kiểm tra ĐZ 220kV Châu Đốc – Tà Keo trong mùa mưa lũ.

Với sự nỗ lực tích cực trong công tác quản lý vận hành, cùng với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp Lãnh đạo EVN, NPT và PTC4, lưới điện của Công ty Truyền tải điện 4 luôn luôn ổn định, tin cậy, đảm bảo cung cấp điện cho các khu vực kinh tế trọng điểm tại Thành Phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An./.


  • Huỳnh Võ - Phòng KT - PTC4


Các Tin khác