Đội Truyền tải điện Bình Chánh tăng cường ứng dụng Flycam trong công tác kiểm tra, quản lý vận hành đường dây trên không

Để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới của công tác quản lý vận hành đường dây, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ là nhiệm vụ hàng đầu. Một trong các ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành của đội Truyền tải điện Bình Chánh (đội Bình Chánh) là tăng cường sử dụng Flycam trong công tác quản lý vận hành đường dây trên không.

Người công nhân leo cao để thực hiện kiểm tra phụ kiện theo phương pháp thủ công.

Thực hiện yêu cầu chung về tăng năng suất lao động, trong những năm gần đây, khối lượng quản lý vận hành đường dây truyền tải điện của đội Truyền tải điện Bình Chánh nói riêng và của TTĐHCM nói chung ngày một tăng lên, nhưng đồng thời trong cùng thời gian thì lực lượng nhân viên quản lý vận hành ngày càng giảm. Qua đó cho thấy tập thể CBCNV đội Truyền tải điện Bình Chánh đáp ứng tốt với yêu cầu thực hiện tăng năng suất lao động của các cấp.

Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng,… và cả công tác nghiệm thu các đường dây trên không chuẩn bị đưa vào vận hành thuộc nhiệm vụ của đội Truyền tải điện Bình Chánh cũng ngày một tăng cao hơn. Mặt khác, theo thời gian thì tuổi tác, sức khỏe của CBCNV ngày một giảm đi, dẫn tới tình trạng thiếu nhân lực thực hiện các công tác đòi hỏi phải leo cao.

Để đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới của công tác quản lý vận hành đường dây, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ là nhiệm vụ hàng đầu. Một trong các ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành của đội Truyền tải điện Bình Chánh (đội Bình Chánh) là tăng cường sử dụng Flycam trong công tác quản lý vận hành đường dây trên không.

Hình ảnh dùng Flycam kiểm tra tình trạng nhiễm bẩn của sứ cách điện.

Năm 2020, đội Bình Chánh được trang cấp một bộ Flycam và một bộ phận CBCNV được Truyền tải điện Thành phố Hồ Chí Minh – Công ty Truyền tải điện 4 tổ chức đào tạo thuần thục về kỹ năng sử dụng Flycam để hỗ trợ trong các công tác quản lý vận hành, công tác nghiệm thu các đường dây trên không. Đội Bình Chánh đã khẩn trương triển khai áp dụng thực tiễn bay kiểm tra một số hạng mục trên lưới điện và ghi nhận kết quả rất khả quan, chính xác. Việc sử dụng Flycam đã góp một phần không nhỏ trong công tác, giúp giải quyết hiệu quả vấn đề về nhân công, sức khỏe leo cao trong công tác quản lý vận hành đường dây trên không của đội.

Hình ảnh dùng Flycam kiểm tra phụ kiện khu vực đầu trụ d0u7o72ng dây 500kV Phú Lâm – Mỹ Tho.

Trong công tác quản lý vận hành, kiểm tra định kỳ, kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra đột xuất,… trước đây CBCNV thực hiện kiểm tra bằng mắt thường, ống nhòm hoặc leo cao trên trụ để trực tiếp kiểm tra. Trong đó, bao gồm những công tác đòi hỏi phải thực hiện leo cao khi đường dây vẫn đang mang điện như kiểm tra dây thoát sét đầu trụ, độ rỉ sét của dây chống sét, độ nhiểm bẩn bề mặt cách điện, độ ăn mòn ty sứ, …  mất nhiều thời gian và nhân lực, đặc biệt là nhân lực có đủ sức khỏe lao cao. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện công tác, người công nhân vận hành phải đi bộ dọc tuyến đường dây qua nhiều khoảng trụ hoặc leo lên trụ nơi địa hình khó khăn như đầm lầy, ao hồ, …ảnh hưởng không ít đến sức khỏe, dẫn tới hiệu quả công việc thấp. Với phương pháp thực hiện thủ công sẽ hao tốn nhiều nhân công, trong khi độ chính xác phụ thuộc nhiều vào sự đánh giá chủ quan theo kinh nghiệm cá nhân.

Khi sử dụng Flycam đã khắc phục được những nhược điểm của phương pháp kiểm tra thủ công; nhân viên vận hành thực hiện kiểm tra từ xa, không phải leo cao hay di chuyển qua đầm lầy, ao hồ,…. hình ảnh được ghi nhận thành các video clip hoặc file ảnh nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, rà soát nếu có bất thường và hình ảnh thiết bị, phụ kiện lưới điện được ghi nhận đa chiều, rõ nét. Trong công tác tổng hợp, báo cáo kết quả công tác quản lý vận hành, video clip và hình được cán bộ kỹ thuật phối hợp nhân viên vận hành phân tích, đánh giá tổng quan, từ đó đưa vào nội dung báo cáo tồn tại của lưới điện (nếu có) và đăng ký kế hoạch xử lý định kỳ.

Ngoài ra, nếu theo phương pháp kiểm tra thủ công, nhóm 02 công nhân có thể kiểm tra từ 03 đến 04 vị trí trụ/ngày. Trường hợp sử dụng Flycam, nhóm 02 công nhân có thể thực hiện kiểm tra nhiều hơn 10 vị trí trụ/ngày. Việc tăng cường sử dụng Flycam trong công tác quản lý vận hành đã mang lại hiệu quả tích cực tăng năng suất, hiệu quả, giảm cường độ lao động cho người công nhân.

Song song đó, Flycam còn được sử dụng trong công tác nghiệm thu các đường dây trên không chuẩn bị đưa vào vận hành; các hạng mục kiểm tra thường sử dụng Flycam như: cách điện, phụ kiện, kiểm tra những tổn thương, hư hỏng của dây dẫn, dây chống sét, hành lang … dọc theo tuyến đường dây.

Hình ảnh dùng Flycam kiểm tra sừng phóng điện, phụ kiện và cách điện Composite đường dây 220kV Phú Lâm – Long An 1, 2

Trong tương lai gần, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công đề tài kết hợp trí tuệ nhân tạo AI vào Flycam để phục vụ công tác quản lý vận hành lưới điện thì hiệu quả sử dụng Flycam sẽ được nâng lên gấp nhiều lần hiện nay; qua đó, giúp nâng cao năng suất lao động.

Tập thể CBCNV đội Truyền tải điện Bình Chánh quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống lưới truyền tải điện; đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.

Hình ảnh sử dụng Flycam kiểm tra, nghiệm thu cách điện đường dây 500kV Mỹ Tho – Đức Hòa.


  • Nguyễn Phước Tú – TTĐHCM.


Các Tin khác